Nghiên cứu thang âm từ lâu đã trở thành một thao tác kỹ thuật của người nghiên cứu âm nhạc, thậm chí, được coi là “chuẩn mực” trong nghiên cứu Âm nhạc học! Nó dễ dàng khiến người nghiên cứu thỏa mãn, hài lòng trước nhu cầu khám phá khả năng biểu cảm phong phú, đa dạng của nghệ thuật âm nhạc. Nghiên cứu thang âm mang giá trị tự thân đối với nhu cầu tìm hiểu “hệ ngữ vựng” trong cấu trúc âm thanh. Song, sau khi xử lý, người nghiên cứu có xu hướng quy nạp hệ số chỉ báo của âm thanh về dạng thức chung, từ đó vô hình trung tước đoạt đi thuộc tính riêng vốn làm nên đặc trưng văn hóa. Để làm tròn con số, nhiều người không ngần ngại bỏ qua những sai biệt nhỏ.
Hiện tượng này cũng giống như thanh điệu trong ngôn ngữ, nếu xóa đi sự khác biệt về thanh điệu thì tính chất vùng miền không còn tồn tại. Trong âm nhạc, có những sai biệt dù rất ít, nhưng không hề nhỏ. Bởi vậy, một cao độ hơi cao hay thấp đã khiến người chơi nhạc dị ứng, sử dụng tính từ, như phô, chênh, lợ, sượng… để hình dung. Rõ ràng sự sai lạc đó không hề nhỏ. Nó chỉ ra tính chất, phẩm chất của âm thanh và nghệ thuật âm nhạc. Nói cách khác, có những sai biệt tuy nhỏ về lượng, nhưng lớn về chất. Theo tiêu chuẩn thẩm mỹ âm thanh, có lúc người ta cố tình tạo ra “sự cố” sai biệt, như sử dụng các kỹ thuật rung, nhấn, láy, vỗ… có lúc không chấp nhận thay đổi, dù rất nhỏ, như chênh, phô… Để lý giải hiện tượng này, chúng ta cần xem xét “bộ quy tắc ứng xử” trong quan niệm thẩm mỹ của từng truyền thống văn hóa. Qua đó mới thấy những khác biệt nho nhỏ không hề nhỏ, đồng thời tiết lộ quan niệm thẩm mỹ ẩn tàng trong thói quen văn hóa, biến thiên theo thời gian, đồng thờikhác nhau giữa các vùng miền, quốc gia, vùng văn hóa…
Việc quy nạp những khác biệt cao độ (dù rất nhỏ) về chỉ báo chung hay thang âm tự nhiên với tính ổn định cao gây tổn hại to lớn cho phương thức biểu cảm của nghệ thuật âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc truyền thống. Như chúng ta biết, quan niệm âm chuẩn hầu như không xuất hiện trong âm nhạc truyền thống. Thanh mẫu (nốt la có dao động bằng 440hz trong một giây) xuất hiện khá muộn so với lịch sử âm nhạc và hoàn toàn nằm ngoài nhiều truyền thống âm nhạc. Nghệ nhân dân gian không quan tâm đến thanh mẫu. Nói như vậy, không có nghĩa phủ nhận tác dụng điều chỉnh cao độ bằng công cụ đo lường hay sử dụng các phương tiện, phương pháp khoa học tự nhiên (chính xác) vào nghiên cứu âm thanh. Song, giới hạn trong vấn đề nghiên cứu thang âm, không phải lúc nào cũng có tác dụng đối với việc tìm hiểu đặc điểm âm nhạc nhiều truyền thống khác nhau, đặc biệt nếu tách thang âm ra khỏi điệu thức.
Một vấn đề khác liên quan, đó là quan niệm coi thang âm các nền văn hóa âm nhạc trên thế giới đều chịu ảnh hưởng bởi hệ bồi âm. Quan niệm này dường như đã trở thành một tiên đề trong hoạt động nghiên cứu âm nhạc nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Song, nhiều người ủng hộ hay tán đồng không có nghĩa tất cả đã đúng. Biết đâu, trong trường hợp này, tất cả đều sai!
Theo khả năng tiếp nhận của cơ quan thính giác, đối với hệ bồi âm cho dù người có đôi tai cực thính cũng chỉ cảm nhận được hai đến ba âm đầu tiên trong hàng âm. Còn tai người bình thường nói chung chỉ cảm nhận được một âm (âm cơ bản). Đây là âm thanh vang lên to nhất. Các âm khác phát giác nhờ máy đo tần. Hãy thử suy xét, một hàng âm mà chỉ có một âm lên tiếng, trong khi đa số âm thanh khác lặng thinh trước cơ quan thính giác lại có thể tác động, ảnh hưởng đến sự hình thành thang âm trong truyền thống âm nhạc khắp nơi trên thế giới? Nếu điều này là sự thật, chắc do Đấng tạo hóa, Đạo, Pháp, Toàn năng… những thế lực vô hình trong thế giới vô biên hành khiển, chứ với một hàng âm hình thành bởi hệ quả của hiện tượng chấn động âm thanh thuần túy, phát hiện nhờ nghiên cứu quan trắc (sự rung lắc của sợi dây) hoặc máy đo tần khó thể có chuyện đã thọc sâu vào sinh hoạt âm nhạc, một loại hình nghệ thuật vốn quyết định bởi cơ quan thính giác, hoạt động theo cơ chế thẩm mỹ, lưu truyền, ảnh hưởng qua quá trình tiếp biến, giao lưu văn hóa… Điều cần nhấn mạnh, âm nhạc là nghệ thuật của cơ quan thính giác, các yếu tố tác động đến âm nhạc đều đến từ cảm nhận trực tiếp của đôi tai. Âm nhạc đặt trong mối quan hệ với di sản văn hóa loài người lan truyền theo khuynh hướng thẩm mỹ, chịu tác động, ảnh hưởng bởi sự biến đổi tư tưởng, văn hóa…
Trong thế giới hiện đại, nhiều quan niệm mới hình thành khoảng 200 năm. Chúng trở thành nền tảng cho việc tiếp nhận tri thức, đồng thời góp phần “hợp lý hóa” các hiện tượng âm nhạc, trong đó có hệ bồi âm. Đối với một hàng âm thanh có được nhờ kết quả đo lường, đi ra từ phòng thí nghiệm thực sự ảnh hưởng như thế nào đến từng truyền thống âm nhạc, đặc biệt là sự hình thành thang âm, điệu thức vẫn cần bằng chứng thuyết phục hơn. Nếu đặt âm nhạc vào môi trường văn hóa, quan niệm này không giải thích được sự phong phú, đa dạng trong từng truyền thống. Việc tiếp nhận một quan niệm có tính chất tiên đề đã khiến nhiều người “chấp” vào đó để hợp lý hóa các kết luận. Điều này cũng giống như việc giải thích thế giới bằng quan niệm Âm dương, Ngũ hành trong văn hóa truyền thống. Sau khi tiếp nhận hệ bồi âm thông qua tri thức khoa học, chúng ta đã phóng đại tác dụng của nó, thậm chí coi đây như “chìa khóa vạn năng” mở ra tòa thành âm nhạc với khả năng biểu cảm vô cùng phong phú.
Như đã trình bày, việc quy tất cả thang âm về một hàng âm (hệ bồi âm) vô hình trung đã tước đoạt đi khác biệt nhỏ vốn làm nên sự phong phú, đa dạng, tinh tế trong nghệ thuật âm nhạc. Người Trung Hoa có câu: “Ma quỷ ẩn náu trong những tiểu tiết”. Vậy có những thực thể tuy nhỏ, nhưng không hề nhỏ, vì chúng là nơi ẩn náu của “ma quỷ”, những yếu tố làm nên sự khác biệt, thậm chí tạo thành bản sắc. Nhằm tìm kiếm nơi ẩn náu của “ma quỷ” và bản thân “ma quỷ”, chúng ta không thể bỏ qua tiểu tiết. Khoảng cách giữa các con số tuy rất nhỏ, nhưng nếu nhận được sự hậu thuẫn của văn hóa, do cộng đồng lựa chọn, quyết định thì người làm nghiên cứu không thể xem thường, càng không nên tự ý làm chẵn con số để khớp với “nguyên mẫu”, cũng như tìm kiếm sự hợp lý trong các kết luận được sắp đặt bởi lý trí. Nhiều tác phẩm nghệ thuật làm nên giá trị nhờ những khác biệt nho nhỏ. Nghệ sĩ lớn hay nhỏ khác nhau ở những thứ nho nhỏ. Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật không nằm ở chiều kích, khuôn khổ mà ở sự tỉ mỉ, tinh tế…
Phật chia “vi trần” (bụi trần) làm 7 loại khác nhau, lớn nhất có thể nhìn thấy qua tia nắng; nhỏ nhất có thể đi xuyên qua kim loại. Vấn đề mấu chốt là chúng bình đẳng với nhau, chứ không phải to quan trọng hơn nhỏ. Lần theo tiểu tiết, chúng ta tìm về cội nguồn từng truyền thống văn hóa. Người Ấn Độ say mê, tỉ mẩn với những khác biệt nhỏ về cao độ. Cây đàn Sitar của Ấn Độ thiết kế phím cao, trơn bóng để tiện cho việc nhấn nhá nhằm tạo nên cao độ chơi vơi đến ngẩn ngơ. Nghệ sĩ lão luyện thường chăm chút, tỉ mẩn những chỗ rung nhấn nhằm tạo nên sự thay đổi tinh tế, vi diệu. Nếu nhìn vào thang âm chẳng thể nào tiếp cận thực thể âm thanh đa dạng. Chỗ hay của nhạc Tài tử Nam bộ cũng nằm trong cách trang sức tô điểm. Đàn guitare phím lõm sở dĩ chiếm địa vị chủ lực trên sân khấu Cải lương là vì tính năng đa dạng cộng với khả năng tô điểm, rung, nhấn linh hoạt nhằm tạo nên sự thay đổi tinh tế. Đàn bầu có ưu điểm vượt trội nhờ khả năng thay đổi kỳ diệu chuỗi âm thanh với sự hỗ trợ của vòi đàn.
Nghiên cứu thang âm giống như một cạm bẫy mà người trước lôi kéo người sau. Như đã khẳng định, cách tư duy này không lý giải được sự phong phú trong nhiều truyền thống âm nhạc. Việc đồng nhất sự khác biệt trong từng truyền thống trên phương diện hàng âm là sản phẩm của lý trí, chứ không phải thực tiễn âm nhạc. Nếu hệ bồi âm ảnh hưởng đến con người một cách đồng bộ như vậy, chúng ta giải thích thế nào về sự khác biệt giữa các nền văn hóa âm nhạc? Tư tưởng âm thanh, quan niệm thẩm mỹ, nhu cầu biểu đạt, sự lựa chọn văn hóa… nằm ở đâu và đóng vai trò gì? Chẳng lẽ chúng là những quan sát viên? Chưa kể, quá trình tiếp biến, dịch chuyển không gian văn hóa thông qua sản phẩm âm nhạc đã gửi đi nhiều thông tin không liên quan đến hệ bồi âm.
Trong quá khứ, nhà soạn nhạc J.S. Bach từng ủng hộ thang âm bình quân, nhưng, đương thời, nhà soạn nhạc đồng hương với ông là G.F. Handel lại phản đối nó. Các trào lưu âm nhạc Ấn tượng, Cận đại, Hiện đại, Hậu hiện đại, Đương đại… càng ngày càng đi vào tiểu tiết. Xét theo chiều dài lịch sử, các quan niệm về cách thức hình thành thang âm ra đời muộn hơn nghệ thuật âm nhạc. Chúng ta ủng hộ việc vận dụng nhiều ngành khoa học, nhất là khoa học tự nhiên vào nghiên cứu âm nhạc, nhưng nên nhớ: âm nhạc là “nghệ thuật của lỗ tai”, chứ không phải “trò chơi của các con số”.
Lê Hải Đăng (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét