Trong chương trình Kính Đa Chiều, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng tiết lộ hai điều cấm kỵ khi múa hẩu đó là không được ngửa mặt hẩu lên trời và không được leo trèo.
Từng làm việc nhiều năm tại Viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng có nhiều công trình nghiên cứu về phong tục tập quán, văn hóa dân gian Nam Bộ. Ông cũng xuất bản nhiều đầu sách như: Nghìn năm bia miệng - Sự tích và giai thoại dân gian Nam Bộ, Câu chuyện văn hóa, Thần Đất - ông Địa và thần Tài, Khảo luận về tết, Đồng dao và trò chơi truyền thống...
Xuất hiện trong chương trình Kính Đa Chiều, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ về hình thức múa hẩu. Nam khách mời cho biết, múa hẩu là hình múa trong văn hóa của người Hoa Phúc Kiến ở Bình Dương, gắn liền với tín ngưỡng thờ Huyền Thiên Thượng Đế (hay còn gọi là Chơn Võ hay Chân Vũ). Hàng năm vào ngày 25/2 (âm lịch), người dân sẽ tiến hành nghi lễ vía Đức Huyền Thiên Thượng Đế và múa hẩu sẽ được diễn ra trong những ngày lễ này.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng giải thích, hẩu là vật cưỡi của các vị Bồ Tát, có người gọi là sư tử, có người lại gọi là hẩu, nhưng phổ biến nhất là tên gọi sư tử hẩu. Theo nghiên cứu của Huỳnh Ngọc Trảng, hẩu là linh vật giữa linh vật kết hợp giữa rùa và rắn, gắn liền với thần tích Bắc Du Chơn Võ.
Cụ thể trong quan niệm Đạo giáo, mỗi phương mỗi hướng có một vị thần tuần du trấn áp những thế lực hắc ám. Nếu như phía Nam có vị thần Huê Quang, phía Đông có Bát Tiên thì phía Bắc có vị thần Chơn Võ (Chân Vũ) hiệu là Huyền Thiên Thượng Đế mang trách nhiệm tuần du.
Theo thần tích được tiểu thuyết hóa Bắc Du Chơn Võ, trong một chuyến tuần du, Huyền Thiên Thượng Đế đã thu phục hai loại yêu tinh lộng hành là xà tinh và quy tinh, biến chúng thành thuộc hạ của mình, gọi là Quy Xà Tướng Quân. Khách mời Huỳnh Ngọc Trảng kết luận: “Từ câu chuyện đó, ta có thể giả định rằng hẩu là hình tướng cách điệu hóa tên linh vật kết hợp giữa rùa và rắn, tức là hóa thân của Quy Xà Tướng Quân”.
Clip Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng giải mã điệu múa hẩu của người Hoa Phúc Kiến: https://youtu.be/-SG4QJPJXoo
Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng cho biết mặt con hẩu thường được làm bằng cái sàng hay cái nia có đường kính khoảng 6 tấc. Trên mặt hẩu, nghệ nhân đắp mắt mũi, dán giấy và gắn thêm bùa bát quái trên trán. Phần thân hẩu được làm từ một khúc vải dài và nối liền với mặt hẩu qua vành nia. Khi múa, một người cầm mặt hẩu và người còn lại quấn vạt vải thân hẩu vào sau chân mình rồi thực hiện động tác nhảy múa theo nhịp nhạc.
Ở Bình Dương, cộng đồng người Hoa Phúc Kiến cư trú ở 4 địa phương gồm Bà Lụa, Búng, Lái Thiêu, Tân Phước Khánh. Mỗi nơi có một đền thờ Huyền Thiên Thượng Đế cùng các vị thần khác của người Hoa Phúc Kiến. Mỗi năm, người Hoa Phúc Kiến tổ chức lễ cúng các vị thần bảo hộ ở một nơi, luân phiên tại 4 địa phương trên. Trong lễ cúng, người dân sẽ rước kiệu tượng thần về tiến hành làm lễ. Khi diễu hành rước kiệu tượng thần thì có linh vật hẩu dẫn đường. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết thêm: “Họ đi quanh tất cả cộng đồng người Hoa Phúc Kiến để dùng thế lực của thần linh và linh vật hẩu nhằm thị uy, đánh đuổi những cái xấu xa, để cộng đồng được an lành. Do đó, chức năng của hẩu là để thị uy trừ tà”.
Múa hẩu có hai điều cấm kỵ. Một là không được phép ngửa mặt hẩu lên trời vì hành động này được cho là thách thức với các vị thần thánh trên cao, vi phạm nghi lễ. Hai là người múa hẩu không được leo trèo. Khác với hẩu, lân có thể leo trèo để lấy lộc nhưng hẩu thì tuyệt đối ở dưới đất.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, múa hẩu rất quy củ và có phép tắc riêng. Trong lễ cúng rước tượng thần, mỗi cộng đồng có hai linh vật hẩu dẫn dầu. Khi cặp hẩu này muốn biểu diễn với đội khác thì ông bầu phải trao thiếp hồng cho đội kia và chỉ khi đội kia đồng ý trao lại thiếp hồng và hai bên thỏa thuận thì hai cặp hẩu mới có thể biểu diễn giao đấu.
Với những nét đặc trưng về mặt ý nghĩa, múa hẩu đã và đang giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người Hoa Phúc Kiến ở Bình Dương, góp phần làm phong phú thêm bức tranh lễ hội của Nam Bộ.
Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.
Kính Đa Chiều chủ đề tiếp theo “Tiêu chuẩn” của một gia đình với sự tham gia của host Lê Hoàng và Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 30/8 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.
B.K (Ảnh: BTC)
Nhận xét
Đăng nhận xét