Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Liên tục cập nhật kiến thức mới, Khi nào nên cho trẻ ngủ phòng riêng, Nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống trong giới trẻ.
Liên tục cập nhật kiến thức mới
Tri thức là tài sản quý của mỗi người. Và để mở rộng tài sản ấy, cách duy nhất là phải cập nhật kiến thức liên tục, nhất là trong thời đại phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ. Cho dù chúng ta là ai, thì việc liên tục cập nhật kiến thức dẫn đóng giải trò quan trọng để đạt được những thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, để duy trì quá trình cập nhật kiến thức là không hề dễ dàng và kỹ năng tự học không phải ai cũng biết.
Chị N.M.V (TP.HCM) chia sẻ: “Trước đây thì mình ra trường với một tấm bằng loại ưu của một trường đại học danh tiếng. Vì thế là mình rất dễ dàng để có một công việc. Rồi mình cũng thăng chức, thăng tiến rất nhanh chóng. Từ phó phòng lên trưởng phòng thì lúc đó mình cứ nghĩ là mình tài năng rất và giỏi, nên mình cũng không có cập nhật những kỹ năng, học tập những kiến thức mới. Do đó công việc của mình bị chậm dần. Ví dụ như là một công việc đó thì mình phải giải quyết lại trong một buổi phía sau thì có những bạn mới là giải quyết khoảng 30 phút là xong. Do mình bị thiếu về kiến thức nên mình cũng đã có những quyết định làm cho công ty bị thất thoát. Do đó, mình bị mất việc và bây giờ mình tìm việc mới cũng rất khó, vì mình không đáp ứng được nhu cầu của công việc”.
Thạc sĩ Trần Hải Nguyên (Chuyên gia kỹ năng sống) cho biết: “Để cập nhật kiến thức một cách hiệu quả và thuận lợi cho chúng ta trong việc tiếp cận với công việc và tiếp cận với các mối quan hệ xã hội, thì điều đầu tiên là chúng ta phải cập nhật tư duy. Đây là điều cần thiết để chúng ta gợi mở nhiều hơn cho việc chủ động cập nhật kiến thức. Thứ hai, phải xác định được rằng lĩnh vực công việc của chúng ta đang làm thì cần những kiến thức gì để chúng ta có thể tiếp cận. Thứ ba là trong thời đại công nghiệp hóa hiện nay thì xã hội thay đổi rất nhanh và chúng ta cần phải nhìn nhận được mối liên quan giữa việc thay đổi đó với bản thân công việc và nhu cầu của chúng ta như thế nào để chọn được cho phù hợp. Thứ tư là chúng ta phải luôn luôn tiếp cận những cái mới như nâng cao giá trị về ngoại ngữ, nâng cao kiến thức về kinh tế xã hội, nâng cao việc khả năng tiếp cận và ứng dụng kỹ năng về công nghệ thông tin. Đây là những cái mà chúng ta có thể tự học giúp đỡ cho chính bản thân mình và có thể giúp đỡ cho những người xung quanh”.
Cập nhật kiến thức liên tục mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là hiệu quả trong công việc và nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính vì lẽ đó, bất kể tuổi tác và hoàn cảnh như thế nào, hãy chắc rằng việc học sẽ không bao giờ dừng lại. Hành trình kiếm tìm tri thức, liên tục học tập và phát triển bản thân sẽ nuôi dưỡng trí tuệ, lòng tự tin và can đảm của mỗi người để ngày càng hoàn thiện bản thân và làm chủ cuộc sống.
Clip Liên tục cập nhật kiến thức mới: https://youtu.be/3RPYisIKv1M
Khi nào nên cho trẻ ngủ phòng riêng
Việc tự ăn, tự đánh răng, vệ sinh cá nhân, thì việc ngủ riêng là một trong những hoạt động đánh dấu sự phát triển của trẻ nhỏ, giúp trẻ dần hình thành tính tự lập. Tuy nhiên thì thực tế cho thấy, việc cho con ngủ riêng từ nhỏ dưới 5 tuổi là điều hiếm xảy ra trong các gia đình Việt. Vậy việc ngủ chung với cha mẹ sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của trẻ? Và đâu là lợi ích của việc cho trẻ ngủ phòng riêng?
Em Trần Phương Anh (TP. Hà Nội) cho biết: “Bố mẹ cho con ngủ riêng từ lớp 2”, còn em Đỗ Trà My (TP. Hà Nội): “Bố mẹ con cho con ngủ riêng bắt đầu vào lớp 5”.
TS Vũ Thu Hương (Chuyên gia Tâm lý Giáo dục): “Trong việc ngủ chung với nhau, đã có rất nhiều hậu quả diễn ra. Thế nhưng rất nhiều mẹ lại đặt ra câu hỏi là nếu ngủ riêng thì làm sao mẹ biết được chuyện gì sẽ xảy ra với con trong đêm. Thực tế thì khi chúng ta ngủ cùng với con thì khi chúng ta biết được con có chuyện gì trong đêm, thì hầu hết lúc đó chúng ta đã tỉnh rồi. Tỉnh rồi, nhận thức được rồi, thì lúc đó chúng ta mới có thể kiểm tra con được. Còn khi mà chúng ta không tỉnh, thì kể cả nằm cạnh hay không nằm cạnh, chúng ta cũng không biết gì”.
Việc quyết định khi nào nên cho trẻ ngủ phòng riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, sự phát triển tâm lý của trẻ và tình hình thực tế ở mỗi gia đình. Quan trọng nhất là phụ huynh cần tạo điều kiện cho trẻ cảm thấy an toàn và thoải mái khi ngủ riêng.
Clip Khi nào nên cho trẻ ngủ phòng riêng: https://youtu.be/_9SgQCdt8c0
Nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống trong giới trẻ
Văn hóa di sản truyền thống chính là hồn cốt của mọi quốc gia dân tộc. Đó là điều mà cha ông chúng ta luôn nỗ lực giữ gìn, phát huy và trao truyền cho các thế hệ, đặc biệt là những người trẻ. Thực tế cho thấy chính sự tiếp nhận tích cực và chủ động của giới trẻ với nhiều hình thức khác nhau, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển, không chỉ giúp giá trị truyền thống được tiếp nối giữ gìn, mà còn có thêm nhiều mảnh đất màu mỡ để lan tỏa rộng khắp đất nước.
Em Nguyễn Đức Ngọc (TP.HCM) chia sẻ: “Tình yêu nghệ thuật dân tộc ở trong mỗi người đều có. Bản thân em là một người cũng có tình yêu nghệ thuật dân tộc từ rất sớm. Sau buổi học này em sẽ lan tỏa cái tình yêu thương đối với nhạc cụ dân tộc cho ít nhất là cha mẹ, anh chị và những người anh em trong họ hàng của mình, và những người bạn của mình nữa”.
NSƯT Ngô Tuyết Mai cho biết: “Tôi đi biểu diễn các nơi và thấy rằng âm nhạc dân tộc Việt Nam đã được các bạn thế giới đón nhận. Cái hay của những nhạc cụ dân tộc Việt Nam tôi muốn chia sẻ lại cho các thế hệ sau. Chuyển những ngọn lửa yêu thương âm nhạc dân tộc Việt Nam đến với mọi người để hy vọng mọi người sẽ trở thành những lớp khán giả tương lai và luôn luôn yêu thích âm nhạc dân tộc Việt Nam, gìn giữ và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam, niềm tự hào của dân tộc”.
Các công cụ như Internet, mạng xã hội cũng giúp người trẻ đưa văn hóa truyền thống Việt Nam đến với thế giới tốt hơn. Và dù ở góc độ nào thì hoạt động này cũng đều góp phần vào việc huân đúc tình yêu quê hương đất nước, giúp những giá trị văn hóa truyền thống trường tồn theo năm tháng. Trong bối cảnh công nghệ với sự lan truyền mạnh mẽ của thông tin tích cực lẫn tiêu cực, nhiều lo ngại về yếu tố tốt đẹp của văn hóa truyền thống đã và sẽ mai một. Tuy nhiên, với rất nhiều nhân tố trẻ và nhiệt huyết, tin rằng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta sẽ được trao truyền, gìn giữ và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.
Clip Nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống trong giới trẻ: https://youtu.be/Ty4FCXGDNQk
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.
B.K (Ảnh: BTC)
Nhận xét
Đăng nhận xét