Tuần này, Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề được quan tâm trong thời gian gần đây như: Hệ lụy từ việc “chạy tương tác” trên mạng xã hội, Hiểm họa từ tiêm mật gấu chữa đau xương khớp.
Hệ lụy từ việc “chạy tương tác” trên mạng xã hội
Tăng lượt thích, theo dõi, bình luận là hình thức phổ biến hiện nay trên mạng xã hội, nhiều người dùng còn bỏ số tiền lớn chạy tương tác nhầm khẳng định bản thân trên mạng xã hội. Nhưng việc làm này đem lại nhiều nguy hại về bảo mật tài khoản, tạo cơ hội cho các đối tượng xấu trục lợi và lừa đảo, không ít người dùng đã trở thành nạn nhân.
Đang mong muốn sở hữu trang Facebook có lượt tương tác cao, thuận lợi cho công việc làm ăn nên khi nhìn thấy bài viết mời chạy tương tác giá rẻ trên mạng xã hội, chị N.T (TP.HCM) đã tìm đến dịch vụ này. Thế nhưng khi đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng nhưng trang cá nhân của chị không có sự thay đổi gì, các đối tượng thì cao chạy xa bay. Chị N.T kể lại: “Họ bảo, họ đã có kinh nghiệm trên 10 năm, tăng 1 triệu follow chỉ với giá 5 triệu đồng và có cả tích xanh. Tôi cảm thấy giá rất rẻ so với nhiều nơi khác nên đã tin tưởng chuyển cho họ 5 triệu đồng, sau đó họ nói tài khoản Facebook tôi có vấn đề nên phải bỏ thêm 5 triệu đồng để giải quyết nên tôi đã liên hệ với họ, lúc này họ đã cắt tất cả liên lạc với tôi”.
Anh L.Đ (Lâm Đồng) cũng đã bị lừa khi sử dụng dịch vụ chạy tương tác trên mạng. Do chỉ giao dịch trực tuyến nên khi các đối tượng biến mất không dấu vết anh cũng không có cách để lấy lại tiền. Anh Đ. cho biết: “Hiện tại tôi đang kinh doanh online nhưng lượt tương tác của website và mạng xã hội rất ít, nên tôi có lên mạng tìm một số dịch vụ quảng cáo. Sau quá trình khi trao đổi tôi cảm thấy không có hiệu quả nên tôi đã nhắn tin để hỏi nhưng không liên lạc được”.
Gần đây, xuất hiện nhiều đối tượng tự xưng mình là đối tác của các trang mạng xã hội, thực chất đây là những bẫy lừa đảo bởi đây là hành động vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của các mạng xã hội và có thể bị các đơn vị chủ quản khóa tài khoản. Khi cung cấp thông đăng nhập cho bên thứ ba đồng nghĩa với việc người dùng đã tiết lộ mật khẩu đăng nhập vào tài khoản của mình dẫn tới những hậu quả khôn lường. Bên cạnh việc mua danh tiếng ảo trên mạng xã hội có thể phá vỡ niềm tin từ bạn bè, khách hàng bởi sự tương tác ảo này có thể biến mất bất cứ lúc nào.
Thạc sĩ Lê Tấn Phước (Nguyên Trưởng khoa CNTT, Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin TP.HCM) khuyến nghị người dân: “Khi chúng ta thực hiện hack like, tương tác chéo thì vô tình chúng ta truy cập vô những trang mà không được kiểm soát rõ nội dung hoặc những trang có mã độc hại. Các đối tượng có thể dùng những tài khoản trắng để tạo tương tác ảo. Cộng với việc những khách hàng không có thật sẽ dẫn đến việc truyền thông điệp đến khách hàng không có ý nghĩa”.
Để tránh bị lừa đảo, người dùng mạng xã hội không nên tìm cách chạy tương tác ảo mà nên xây dựng trang cá nhân một cách nghiêm túc. Tuyệt đối không chuyển tiền cho bất cứ ai khi không có thông tin rõ ràng, không cung cấp tên đăng nhập mật khẩu OTP cho người lạ. Từ đó hạn chế những thiệt hại không đáng có.
Clip: Hệ lụy từ việc “chạy tương tác” trên mạng xã hội: https://youtu.be/2Ncsf8qCRqc
Hiểm họa từ tiêm mật gấu chữa đau xương khớp
Trong đông y, mật gấu thường được gọi là hùng đởm, vị đắng tính hàn, có màu xanh hoặc nâu, thường được xem là một loại thuốc quý. Tuy nhiên, loại mật này không phải là thần dược trị bách bệnh nhiều người đồn thổi. Nếu sử dụng không đúng cách sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Nhiều người đã đưa mật gấu vào cơ thể bằng cách tiêm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Đơn cử là trường hợp của bệnh nhân Đ.T.M (87 tuổi, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng khó thở, đau nhiều vùng gối, hai bên sưng tấy khó chịu, nguyên nhân được xác định là do bệnh nhân này tiêm mật gấu vào vùng gối. Trước đó tại bệnh viện cũng tiếp nhận một trường hợp người đàn ông nhiễm trùng nặng do tự ý tiêm mật gấu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt nhiều, một phần ba trên cánh tay trái sưng đau, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt.
Để sử dụng mật gấu an toàn và hiệu quả cần phải có người có kinh nghiệm chẩn đoán trong từng trường hợp. Mật gấu chuyên trị huyết ứ, huyết bầm và giảm đau sát trùng do đó phần lớn các thầy thuốc đông y sẽ dùng ngoài da là chủ yếu. Nhưng nếu dùng không đúng liều lượng thì nó sẽ trở nên rất độc, khi sử dụng quá nhiều có thể gây ngộ độc gây tổn thương, viêm gan, viêm thận, suy thận và ảnh hưởng đến tính mạng. Khi dùng để tiêm thẳng vào khớp sẽ có khả năng gây hoại tử mô, nhiễm trùng tim cơ.
Việt Nam ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm bảo vệ động vật hoang dã trong đó có việc không được sát hại gấu để lấy mật. Chính vì vậy, những nơi còn buôn bán mật gấu hầu hết đều là nuôi nhốt trái phép, không thể đảm bảo vệ sinh an toàn trong quá trình lấy và bảo quản mật gấu.
ThS. BS Nguyễn Trương Minh Thế (Trường ĐH Y Dược TP.HCM) cho biết: “Các tổ chức bảo vệ động vật khuyến cáo tránh sử dụng mật gấu và Việt Nam cũng đã đưa gấu vào sách đỏ để bảo vệ. Do đó sẽ có những phương thuốc, vỉ thuốc, cây thuốc thảo dược thay thế mật gấu đạt hiệu quả cao. Nhà nước cũng đã ban hành cho việc thay thế toàn bộ các công dụng của mật gấu bằng các cây thảo dược như bồ công anh, huyết dụ hay hạt gấc,...”.
Các bác sĩ cũng lưu ý thêm, khi gặp các tổn thương phần mềm, người dân không nên xoa bóp, bôi mật gấu, đắp nóng hoặc dán cao nóng ngay mà cần cố định vết thương, nghỉ ngơi, ngưng vận động để giảm tổn thương. Không nên tiêm hoặc dùng các phương pháp chưa được kiểm chứng bôi vào vết thương, không nên để mật gấu tiếp xúc với các vết thương đang chảy máu. Đặc biệt người có tính hàn hoặc phụ nữ mang thai đang cho con bú cũng không nên sử dụng mật gấu. Khi sử dụng bất kỳ một phương pháp nào cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, không nên nghe theo những lời đồn thổi truyền miệng mà sử dụng sai cách dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Clip: Hiểm họa từ tiêm mật gấu chữa đau xương khớp: https://youtu.be/TqO6gqe0kEw
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội..
B.K (Ảnh: BTC)
Nhận xét
Đăng nhận xét